Có một câu nói rất nổi tiếng thế này “Hãy theo đuổi đam mê,
thành công sẽ theo đuổi bạn.” Nhưng nhiều người vẫn hoài nghi về sự thành công
này, họ cho rằng cuộc sống còn có nhiều vấn đề cơm áo gạo tiền mà họ cần theo
đuổi hơn là cái đam mê chôn cất bên sâu trong tâm họ.
Họ nghi ngờ những câu nói đại loại như “Hãy làm những gì từ
trái tim bạn muốn.” Thực chất những người này đang ngụy biện cho chính bản thân
mình, một sự ngụy biện tưởng chừng như rất hợp lý để che dấu đi rất nhiều vấn đề
tồn tại ngay chính trong bản thân họ.
Thứ nhất, bạn có nghĩ rằng bạn sẽ tồn tại lâu dài với một
công ty, với một công việc mà bạn không hề thích. Sự chán nản mệt mỏi, và những
áp lực thường trực sẽ luôn khiến bạn muốn từ bỏ, vì một lý do nào đó, bạn có thể
tiếp tục nhưng thời gian tiếp tục sẽ được bao lâu?
Và rồi tới một ngày, sự chịu đựng tới ngưỡng tối đa, bạn sẽ
nhảy việc, tìm kiếm một môi trường mới. Bạn lại rơi vào cái vòng tròn luẩn quẩn
của sự chán nản vì không làm được công việc yêu thích. Bạn chỉ có thể gắn bó với
một công việc khi bạn phù hợp và có chút nào đó yêu thích nó, nếu chưa đủ yêu
thích thì bạn cũng có thể sáng tạo ra vô số cách để nhân bản một chút đó lên. Sự
sáng tạo của con người là không có giới hạn.
Bạn đã bao giờ đặt bút lên giấy hoặc vắt tay lên trán để suy
nghĩ mình thích cái gì, mình đam mê cái gì và thực sự mình muốn làm gì chưa?
Tôi tin chắc rằng trong chúng ta còn rất nhiều người vẫn
chưa tìm ra được cái thực sự mình muốn là gì. Vậy tại sao bạn không bắt đầu tìm
kiếm đam mê của mình? Một khi theo đuổi được chúng, bạn sẽ vô cùng sung sướng,
vô cùng thỏa mãn. Những việc bạn thích làm, muốn làm và dốc hết trái tim mình
vào đó cho dù bạn không được trả công nhưng bạn sẽ vẫn cảm thấy hạnh phúc. Thì
đó chính là đam mê của bạn.
Thứ hai, hoặc giả dụ bạn có đam mê, bạn có sở thích, bạn lại
đổ lỗi cho hoàn cảnh khiến bạn phải làm những công việc khác, xu thế không cho
phép bạn đi hướng đó, những người xung quanh bạn mong muốn bạn phát triển theo
con đường kia. Vậy thì, bạn đừng ngồi đó mà than thở rằng, sao thành công lại
không tới với bạn.
Thành công không bao giờ tới với những người không đủ can đảm
vượt qua chính bản thân và những rào cản. Bạn không “sẵn sàng đánh cược, chấp
nhận chịu thua”, thì bạn chỉ nằm trong phần lớn những người thất bại.
Thứ ba, định nghĩa về thành công và sự giàu có của bạn như
thế nào?
Bạn nghĩ rằng giàu có tức là bạn có trong tay nhiều tiền, sở
hữu khối tài sản đồ sộ. Trong hầu hết những cuốn sách làm giàu mà tôi đã đọc, tất
cả đều nói rằng sự giàu có không được định giá bằng việc bạn có bao nhiêu tiền,
mà là việc bạn được tự do trong cuộc sống bao nhiêu.
Tự do về cách sống, tự do về suy nghĩ, tự do về quan điểm.
Và cách bạn quản lý đồng tiền, khiến đồng tiền làm việc cho bạn, chứ không phải
là cách biến bạn thành nô lệ của đồng tiền. Một khi bạn bị vấn đề tiền bạc chi
phối bạn sẽ chẳng thể nào đặt niềm tin vào bản thân và người khác, sự sáng tạo
của bạn cũng sẽ bị kìm hãm. Và thành công – đừng bao giờ bạn nghĩ tới.
Làm thế nào để theo đuổi đam mê?
Có một câu nói của người Cha giàu trong cuốn sách Dạy Con
Làm Giàu thế này:
“Hãy nuôi dưỡng ước mơ táo bạo, to lớn nhưng hãy thực hiện từng
chút một mỗi ngày, hãy đi từng bước nhỏ thay vì nhảy vọt trèo lên vách đá mục
tiêu trước mặt mình.”
Hãy nghĩ lại xem bạn đã đủ can đảm đi tìm thành công của
chính bản thân mình chưa? Chúc bạn sẽ tìm thấy và theo đuổi đến cùng ước mơ của
mình.
Đam mê, ước mơ hay khát vọng thành công cần được viết ra giấy,
in ra mọi nơi mà bạn có thể nhìn thấy chứ không phải bỏ vào két sắt của não bộ
và khóa kín nó. Hãy chia sẻ với chúng tôi đam mê của bạn, những gì được viết ra
luôn có động lực hơn suy nghĩ, đơn giản là bạn nhận biết được mọi người đang
trông chừng bạn, vì thế hãy làm cho nó thật xuất sắc.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét